Kiểu "đốt" điện chùa của dân công sở chẳng sướng tý nào, nếu sử dụng lắp đặt điều hòa không đúng cách có thể còn mắc thêm các bệnh về hô hấp và viêm họng.
Điều hòa mối hiểm họa cho trăm bệnhGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ cho biết môi trường điều hòa trong văn phòng 16 -20 độ C, sau đó ra ngoài nhiệt độ ngoài trời tăng lên khiến nhiều người bị bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm họng. Nhiệt độ trong môi trường điều hòa quá chênh lệch so với nhiệt độ ngoài phòng, uống nước lạnh khi người đang nóng bừng bừng…khiến hệ thống niêm mạc của xoang mũi bị khô, giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho các vi trùng, vi khuẩn đã tích tụ sẵn trong các hốc xoang phát triển. Việc điều trị cũng khó hơn bởi môi trường nóng lạnh là thường xuyên. Nếu muốn điều trị dứt điểm chỉ còn cách chuyển công việc, hoặc chỉ ngồi trong một môi trường nóng hoặc lạnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Dụ - giám đốc một phòng khám tư ở đường Giải Phóng Hà Nội cho biết "môi trường điều hòa cũng là nơi có nhiều bệnh lây lan đặc biệt là bệnh hô hấp. Nếu sử dụng điều hòa không đúng cách có thể còn mắc thêm các bệnh khác về hô hấp.
Những người thường xuyên ngồi trong phòng điều hòa hay cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, đây chính là phản ứng mất cân bằng thần kinh não thường gặp do môi trường điều hòa gây ra. Ngoài gây ra bệnh cảm cúm, điều hòa còn có thể làm tổn thương não.
Khi người ta đi từ ngoài vào trong phòng điều hòa do lạnh đột ngột dẫn đến hệ thần kinh thực vật của cơ thể khó thích ứng kịp, sẽ xuất hiện triệu chứng “bệnh điều hòa”, với biểu hiện như dễ tức giận, căng thẳng, mất ngủ…
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người kể cả ở nhà cũng như ngoài công sở chỉ nên để điều hòa ở mức 27 đến 28 độ C là phù hợp. Bổ sung các khoáng chất để tránh mất nước, khô da.
Nhân viên không nên để nhiệt độ quá thấp gây bệnh viêm xoang.
Mặc dù các chuyên gia về điện lạnh khuyến cáo khi sử dụng điều hòa, điều cần lưu ý nhất là chọn nhiệt độ cho máy làm việc, chỉ nên chọn nhiệt độ từ 25°C trở lên. Nhưng hầu như các phòng ốc đều làm việc với nhiệt độ trung bình khoảng 20 độ C.
Chị Vũ Thị Ngọc (An Dương Vương, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết cơ quan chị thường mở máy ở nhiệt độ thấp nhất vì còn phòng cả chuyện nhân viên ra vào thường xuyên nên hơi nóng bên ngoài ùa vào. Để điều hòa nhiệt độ thấp, cửa mở cũng không sợ làm tăng nhiệt độ phòng. Chính vì thế, ai nóng cứ nóng, ai lạnh đã có chăn. "Chuyện cả văn phòng sụt sịt là bình thường. Lúc trước, chuyện này còn lạ chứ giờ ai cũng thế nên chẳng ai để ý" chị Ngọc cho biết.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân đến khám xoang và họng, trong số đó quá một nửa là dân văn phòng ngồi làm việc trong điều kiện lạnh và thay đổi đột ngột nhiệt độ khiến những bệnh tưởng chừng như đơn giản nhưng lại trở thành mạn tính.
Lê Thu Ngân (28 tuổi, nhân viên của Công ty Sao Mai, có trụ sở tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, từ ngày ra trường công việc của Ngân làm kinh doanh nên vừa làm trong văn phòng và chạy ra ngoài gặp khách hàng thường xuyên nên va chạm thời tiết nóng lạnh nhiều khiến Ngân mắc chứng viêm họng hạt. Mặc dù đã kiêng không ăn, uống đồ lạnh nhưng cổ họng của Ngân lúc nào cũng rát, ăn uống gây đau và ho nhiều không khỏi.
Tháng trước, Ngân đến khám tại BV Tai Mũi Họng Trung ương bác sĩ cho biết Ngân mắc chứng viêm họng hạt. Tuy nhiên, sử dụng thuốc được 10 ngày đỡ khoảng 50 % thì môi trường làm việc phòng lắp đặt điều hòa khiến bệnh viêm họng hạt lại tái phát.
Trường hợp của anh Nguyễn Duy Thắng (Công ty cổ phần trắc địa miền Bắc) cho biết anh luôn phải đeo khẩu trang khi ngồi trong phòng làm việc vì nhiệt độ quá lạnh khiến anh thường xuyên bị hắt hơi, chảy nước mũi. Điều hòa nhiệt độ ở cơ quan anh luôn được cho chạy hết công suất. Anh có đấu tranh cho nhỏ điều hòa cũng không lại với các chị em phụ nữ họ thích không khí lạnh lạnh và mang theo áo chống nắng và chăn khi ngồi làm việc hơn là chịu nhiệt độ cao lên một chút.
"Nhiều hôm lạnh quá, tôi chạy ra ngoài hành lang thì nóng như lửa đốt. Ngày nào đi làm về đến nhà đầu cũng đau như búa bổ. Mang khẩu trang khi ngồi làm việc nhìn không thẩm mỹ răng cho lắm nhưng thôi đành chịu chứ sợ bệnh viêm xoang tái phát thì khổ lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét